“Chúng ta đang thực hiện hai cuộc chuyển đổi lớn là chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với hội nhập quốc tế và chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh (thường gọi là chuyển đổi kép). Cả hai quá trình chuyển đổi này đều mang tính cách mạng. Trong đó, chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh là cuộc cách mạng về phát triển lực lượng sản xuất mới.
Cả hai quá trình chuyển đổi này đều chưa có tiền lệ, còn nhiều điều ở phía trước cần phải tiếp tục nghiên cứu, vừa làm vừa hoàn thiện. Do vậy, đòi hỏi đầu tiên của cả hai quá trình chuyển đổi này là đổi mới về tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm, dám nghĩ, dám làm.
Tiếp theo là đổi mới về thể chế, cơ chế, chính sách; về quản lý, quản trị và điều hành ở cả tầm vĩ mô (Chính phủ) và vi mô (doanh nghiệp), trong đó người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo và dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Cuối cùng là sự thay đổi trong cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực phù hợp và yêu cầu về phối hợp, hợp tác không chỉ trong phạm vi quốc gia mà cả khu vực và toàn cầu.
Để kiến tạo nền kinh tế mới và thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh nói riêng cần phải có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Làm thế nào để doanh nghiệp có thể góp phần giúp Nhà nước phát huy được vai trò kiến tạo cho phát triển nói chung và cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nói riêng? Làm thế nào để doanh nghiệp có thể phát huy được vai trò trung tâm trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia? Cách nào để có thể giải quyết được tối ưu mối quan hệ giữa hiệu quả và chi phí trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đặc biệt là trong bối cảnh năng lực và trình độ của doanh nghiệp chưa cao, đa số các doanh nghiệp của chúng ta là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chúng ta cũng cần thảo luận và đề xuất những giải pháp mới, khả thi phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, nhất là những giải pháp đột phá từ góc độ của doanh nghiệp để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh. Đặc biệt, chúng ta cần thảo luận và đề xuất từ góc độ doanh nghiệp những nội dung cụ thể về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, có thể được đưa vào Văn kiện Đại hội XIV của Đảng”.
“Trước mắt, doanh nghiệp đang mong chờ ba điều từ cơ quan quản lý. Đó là danh mục phân loại xanh mà hai năm nay vẫn chưa được ban hành. Đây là điều đáng tiếc, bởi từ danh mục phân loại xanh mới có tài chính xanh, tín dụng xanh và nhiều thứ xanh khác.
Bên cạnh đó, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tư vấn, đề xuất từ tháng 6/2022 nhưng hai năm nay vẫn chưa có kế hoạch hành động cụ thể.
Rõ ràng chúng ta rất chậm và mất nhiều cơ hội. Nếu chúng ta tận dụng tốt hơn thì tăng trưởng GDP 6,5 – 7% là khả thi. Về khơi thông nguồn lực, hiện thị trường đất đai, bất động sản và thị trường khác rất lãng phí, nếu khơi thông thể chế, cơ chế chính sách thì nguồn lực rất lớn.
Về lâu dài, tôi đề xuất ba điểm.
Thứ nhất, năm ngoái chúng tôi kiến nghị sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia để hình thành bộ máy cơ quan chuyên sâu về năng suất quốc gia càng sớm càng tốt. Việc cải thiện năng suất lao động có nhiều tiến triển nhưng không như mong muốn, vì vậy cần sớm thành lập ủy ban này.
Thứ hai, khoa học và công nghệ là mũi nhọn cực kỳ quan trọng sắp tới, thế nhưng cơ chế thử nghiệm (sandbox) ba năm vẫn chưa có để phát triển công nghệ tài chính (fintech), trí tuệ nhân tạo (AI)… Bên cạnh đó, Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Khoa học công nghệ cần sớm thông qua để chuyển đổi số nhanh hơn.
Thứ ba, doanh nghiệp muốn chuyển đổi xanh cần nguồn lực hỗ trợ, ngoài cơ chế chính sách. Tôi cho rằng nên thành lập quỹ chuyển đổi xanh, khi chúng ta muốn khuyến khích lĩnh vực nào chuyển đổi xanh nhanh hơn thì cần “củ cà rốt” để khuyến khích và “cây gậy” là chế tài. Chúng ta có Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, song đến nay việc phân loại rác thải vẫn ít địa phương thực hiện”.
“Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh giống như một cặp song sinh, cặp bài trùng trong cuộc cách mạng mới để chuyển đổi sang mô hình kinh tế mới. Hai hoạt động này có tính chất song hành, bổ trợ cho nhau, hai phương tiện trên chặng đường chuyển đổi mô hình nền kinh tế mà trong đó dựa nhiều hơn vào công nghệ số, dữ liệu, mục tiêu về giảm phát thải, Net Zero.
Để những phương tiện về chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số đóng góp trực tiếp cho mục tiêu chuyển đổi xanh, để nền kinh tế số và chuyển đổi xanh có sự song hành chặt chẽ hơn nữa, chúng ta cần có những điều kiện quan trọng để đảm bảo điều này được diễn ra.
Thứ nhất, cần có những chính sách để phương thức sản xuất mới từ chuyển đổi số của nền kinh tế phục vụ cho mục tiêu chuyển đổi xanh, giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu của doanh nghiệp, người dân và tất cả các cơ sở kinh tế của nền kinh tế. Những chính sách, quy định, chương trình hành động của cơ quan chính phủ, sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ với nhau là điều đặc biệt quan trọng.
Thứ hai, cần có năng lực, nhận thức của nhiều đối tượng khác nhau trong nền kinh tế về sự song trùng, bổ trợ của kinh tế số với tăng trưởng xanh. Nhận thức, năng lực này có thể giúp chúng ta có sự phối hợp chính sách một cách mạnh mẽ hơn, đặc biệt là sự phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành.
Thứ ba, cần nguồn lực từ các đối tượng khác nhau, đặc biệt là nguồn lực từ Chính phủ, các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức tài chính, tín dụng, đóng góp cho quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế số, xây dựng nền kinh tế xanh.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, vai trò của Nhà nước ngoài tạo dựng môi trường pháp lý, khung khổ pháp lý thông qua các thể chế, xây dựng quy chuẩn, thì Nhà nước cũng là một người tiêu dùng lớn với hàng triệu tỷ đồng được chi tiêu mỗi năm thông qua đầu tư công. Tôi kỳ vọng Nhà nước sẽ đóng vai trò là người tiêu dùng lớn, thông qua hoạt động chi tiêu của mình khuyến khích đầu tư công, khuyến khích khu vực tư nhân để thúc đẩy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh”.
“Qualcomm đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong nỗ lực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nhờ ba yếu tố quan trọng.
Thứ nhất, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ với các chương trình chuyển đổi số quốc gia dài hạn đã đưa ra các phương hướng, tầm nhìn để các doanh nghiệp có chiến lược phát triển.
Thứ hai, hạ tầng số Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực hiện có chất lượng khá tốt.
Thứ ba, hạ tầng kết nối không dây ngày càng được nâng cấp và hoàn thiện. 4G hiện nay đã phủ sóng 100% dân số, các nhà mạng hàng đầu của Việt Nam mới đây đã công bố triển khai thương mại 5G trên toàn quốc. Sự phổ biến của mạng 5G tới đây sẽ giúp các doanh nghiệp triển khai thành công các giải pháp 4.0 như nhà máy thông minh, doanh nghiệp thông minh…
Qualcomm cho rằng để thành công trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp cần có mục tiêu rõ ràng, thúc đẩy văn hóa đổi mới sáng tạo ngay trong doanh nghiệp, chuẩn bị tốt việc xây dựng hạ tầng số riêng.
Việt Nam cần tích cực thiết lập cơ chế sandbox để các doanh nghiệp trong nước có cơ hội thử nghiệm những công nghệ mới. Đồng hành cùng các startups Việt Nam, chúng tôi đã và đang tích cực kêu gọi các quỹ đầu tư hỗ trợ nguồn vốn cho các startups, nhưng nếu có thêm nhiều nguồn vốn đầu tư công cho các startups công nghệ, thì sẽ là tiền đề để các doanh nghiệp phát triển lớn mạnh hơn”.
“Mặc dù Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, cùng với sự phối hợp giữa các bộ ngành liên quan để đưa ra những chủ trương, chính sách có gắn yếu tố kinh tế tuần hoàn trong việc phát triển kinh tế- xã hội, nhưng năng lực hấp thụ, triển khai những chính sách này ở địa các địa phương còn hạn chế.
Để thúc đẩy phát triển, Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, nhưng muốn triển khai hiệu quả cần sự quyết liệt chủ động thực hiện từ địa phương, bởi chính các địa phương xây dựng, thiết kế những kế hoạch hành động cụ thể, từ đó khuyến khích và tạo động lực cho doanh nghiệp thúc đẩy trong quá trình này.
Việc huy động nguồn lực tài chính cần được chú trọng. Ngoài nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước, cần tận dụng thêm từ các quỹ đầu tư để gia tăng nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện các giải pháp kinh tế tuần hoàn. Cùng với đó, thúc đẩy việc xây dựng phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và công nghệ là yếu tố then chốt để hỗ trợ cho cả các địa phương và doanh nghiệp.
Chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp cần có giải pháp thúc đẩy thu hút nguồn nhân lực, nhân tài phục vụ cho quá trình triển khai các chính sách kinh tế tuần hoàn trong phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững và lâu dài”.
“Theo khảo sát của HSBC, 47% doanh nghiệp tại Việt Nam muốn chuyển đổi số trong những năm tới và 40% muốn chuyển đổi bền vững theo các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội, quản trị). Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất ở Đông Nam Á.
Những thay đổi không chỉ ở khoa học và công nghệ, mà còn liên quan đến biến đổi khí hậu. Việt Nam là nước nhiệt đới nên cũng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu mạnh mẽ. Biến đổi khí hậu có thể tạo tác động tương đương 3,5% GDP của Việt Nam. Tại COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là cam kết mạnh mẽ và táo bạo của Việt Nam nhưng là một bước đi đúng đắn. Việt Nam có tiềm năng to lớn trong bối cảnh biến đổi khí hậu như tiềm năng về gió, điện mặt trời, môi trường đầu tư thu hút FDI vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, thay đổi liên quan đến bài toán về chi phí. Chi phí chuyển đổi số trung bình của doanh nghiệp là 27,5 triệu USD. Theo ước tính của HSBC, Việt Nam cần 270 tỷ USD để nền kinh tế chuyển đổi số (bao gồm cả khu vực công và doanh nghiệp); trong khi đó, Việt Nam cũng cần 400 tỷ USD đến năm 2040 để đưa phát thải ròng về 0. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ phải tìm các nguồn từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng. Nếu chúng ta không thay đổi thì cái giá còn cao hơn so với những gì chúng ta phải đầu tư”.
VnEconomy 23/10/2024 10:00
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 43-2024 phát hành ngày 21/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam