Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trịnh Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương nhấn mạnh vai trò của công tác phòng vệ thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế với nhiều biến động như hiện nay. Các công cụ phòng vệ thương mại như thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ được sử dụng hợp lý, theo đúng quy định pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế đang góp phần hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước phát triển bền vững trong một môi trường cạnh tranh bình đẳng. Từ đó đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động, đồng thời đem lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế và tăng cường năng lực của đội ngũ doanh nhân trong nước.
Ông Trịnh Anh Tuấn nhấn mạnh thêm “Việc xử lý một cách phù hợp các cuộc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng đã giúp cho nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp tránh được rủi ro và tác động tiêu cực của các biện pháp phòng vệ thương mại mà thị trường xuất khẩu áp dụng, từ đó giúp các doanh nghiệp giữ được thị trường và ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu”,
Đến hết tháng 9 năm 2024, Việt Nam đã tiến hành 30 cuộc điều tra phòng vệ thương mại và đang duy trì áp dụng 22 biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu. Tổng doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp sản xuất trong nước tham gia các vụ việc phòng vệ thương mại ước đạt 475 nghìn tỷ đồng. Số lao động trực tiếp làm việc tại các doanh nghiệp khoảng trên 36.000 người. Thu ngân sách hàng năm từ thuế phòng vệ thương mại đạt từ 1.200 đến 1.500 tỷ đồng.
Đối với các ngành hàng xuất khẩu, việc xử lý một cách thỏa đáng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đã giúp các doanh nghiệp tận dụng và giữ vững được những kết quả do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đem lại. Cho đến nay, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 263 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường. Trong đó, đứng đầu là các vụ việc điều tra chống bán phá giá (144 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (53 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (38 vụ việc) và chống trợ cấp (28 vụ việc).
Tuy số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng tăng lên nhưng nhờ có sự chủ động của các doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ tích cực của Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan, Hiệp hội ngành hàng nhiều vụ việc đã đạt được kết quả tương đối tích cực như doanh nghiệp không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, từ đó tiếp tục giữ được thị trường xuất khẩu.
Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Công Thương, công tác phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục được đẩy mạnh với mục tiêu đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, giúp các ngành sản xuất trong nước phát triển và tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn cho nền kinh tế. Các cuộc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu sẽ được thực hiện trên nguyên tắc công bằng, minh bạch theo đúng các quy định pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế.
“Trong thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại cam kết tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc hoàn thiện các công cụ phòng vệ thương mại, nâng cao năng lực điều tra và xử lý vụ kiện, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế để tăng cường sự bảo vệ cho các ngành sản xuất trong nước. Chúng tôi tin rằng, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, cũng như sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân quan tâm, Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thương mại toàn cầu và đạt được mục tiêu phát triển bền vững”, ông Trịnh Anh Tuấn nói.
Tại Diễn đàn, đại diện Cục Phòng vệ thương mại đã giới thiệu với cộng đồng doanh nghiệp một số quy định pháp luật về phòng vệ thương mại dự kiến sẽ bổ sung, sửa đổi trong năm 2024, hướng dẫn cách thức doanh nghiệp nộp và nhận kết quả xử lý hồ sơ đối với các vụ việc phòng vệ thương mại trên môi trường điện tử, giới thiệu và hướng dẫn doanh nghiệp khai thác thông tin, dữ liệu của hệ thống cảnh báo sớm.
“Diễn đàn là cơ hội tốt để đại diện các bộ, ngành ở trung ương và địa phương cùng lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội nhìn lại các hoạt động, công tác phòng vệ thương mại tại Việt Nam thời gian vừa qua cũng như trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình lập hồ sơ, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của ngành sản xuất trong nước.” – Ông Trịnh Anh Tuấn kỳ vọng.