Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương đã phân tích rất nhiều quan điểm đang được tranh luận tại dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu.
Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, có tác động rất mạnh đến mọi mặt của đời sống kinh tế và xã hội. Vậy chuyên gia đánh giá gì về việc cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Công Thương) bảo lưu quan điểm phải điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường nhưng vẫn đảm bảo có sự quản lý của nhà nước thay vì thả nổi hoàn toàn cho doanh nghiệp?
Điều cần nhắc lại là trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam, Nhà nước giữ vai trò quản lý và điều tiết một số mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng lớn đến sản xuất – kinh doanh và tiêu dùng.
Trong đó, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế và xã hội, đồng thời là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Do đó, Nhà nước trao quyền định giá cho doanh nghiệp song vẫn thể hiện vai trò quản lý và điều tiết của mình.
Việc chuyển từ cơ quan điều hành quyết định giá xăng dầu trước đây sang giao cho doanh nghiệp kinh doanh – phân phối xăng dầu định giá phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn giá bán xăng dầu tối đa theo quy định được xem là bước chuyển mạnh để kinh doanh xăng dầu tiến gần hơn tới cơ chế thị trường.
Điều này được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết những vướng mắc trước đây khi Nhà nước giữ quyền định giá xăng dầu khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn.
Cơ chế này đòi hỏi cơ quan quản lý phải rất cẩn trọng trong việc đưa ra mức giá trần phù hợp, đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ sự tuân thủ của doanh nghiệp.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ ban hành (Ảnh: Cấn Dũng) |
Hiện nay, Bộ Công Thương đang quản lý các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (khoảng 33 doanh nghiệp) và phân giao tổng nguồn cho các doanh nghiệp này để đảm bảo kiểm soát được tổng nguồn cung ra thị trường. Thương nhân phân phối xăng dầu được quyền mua xăng dầu của các doanh nghiệp này. Đối với thương nhân phân phối, cả nước hiện có khoảng 280 doanh nghiệp và nhiều ý kiến cho rằng, nếu cho phép các doanh nghiệp phân phối cũng mua hàng của nhau thì cơ quan quản lý sẽ không nắm được nguồn cung. Quan điểm của ông về vấn đề này là gì?
Trước đây, Nghị định 95 năm 2021 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đã cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân kinh doanh, phân phối xăng dầu khác theo hợp đồng mua bán xăng dầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quy định này đã dẫn đến khó kiểm soát chất lượng xăng dầu được mua nhập từ nhiều nguồn khác nhau. Bên cạnh đó, việc này cũng tạo nguồn cung ảo trên thị trường, khiến cơ quan quản lý không nắm được nguồn cung thực tế.
Do đó dự thảo Nghị định mới nêu quy định thương nhân phân phối xăng dầu chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, không được mua từ các thương nhân phân phối xăng dầu khác. Tôi cho rằng việc này nhằm kiểm soát chất lượng nguồn hàng, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính. Quan trọng hơn cả, việc này sẽ giúp cơ quan quản lý giám sát được nguồn cung thực tế nhằm đảm bảo mục tiêu cao nhất là đủ xăng dầu cho nhu cầu sử dụng của người dân.
Tại Hội nghị lấy ý kiến về nghị định kinh doanh xăng dầu chiều 2/10, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định sẽ trình 2 phương án giá lên Chính phủ (trong đó có phương án doanh nghiệp tự định giá); sẽ báo cáo Chính phủ về việc doanh nghiệp phân phối có ý kiến đề xuất muốn được mua hàng của nhau. Ông đánh giá gì về sự cầu thị và tiếp thu của Bộ Công Thương trong việc xây dựng Nghị định được đánh giá là vô cùng khó hiện nay?
Hội nghị lấy ý kiến về nghị định kinh doanh xăng dầu chiều 2/10/2024 là lần thứ 4 Bộ Công Thương lấy ý kiến của các bộ, ngành (bằng văn bản và lấy ý kiến trực tiếp), và là lần thứ 4 trình lên Chính phủ. Tại Hội nghị này, Bộ trưởng Công Thương khẳng định sẽ trình 2 phương án giá lên Chính phủ (trong đó có phương án doanh nghiệp tự định giá) và báo cáo Chính phủ về việc doanh nghiệp phân phối đề xuất muốn được mua hàng của nhau.
Điều đó thể hiện tinh thần cầu thị và tiếp thu ý kiến của Bộ Công Thương. Điều đó cũng cho thấy đây là một quá trình thảo luận mở giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, Xây dựng nghị định mới về xăng dầu cho phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là một việc không đơn giản, dễ dàng. Nó đòi hỏi đầu tư thời gian, công sức để đưa ra một nghị định mới phù hợp, vừa tạo được cơ chế thị trường nhiều nhất, vừa đảm bảo vai trò quản lý nhà nước tốt nhất, phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Là một chuyên gia đã có nhiều năm nghiên cứu về vấn đề xăng dầu, ông có khuyến cáo gì với Bộ Công Thương nhằm nâng cao hiệu quả quản lý mặt hàng xăng dầu trong thời gian tới với mục tiêu cao nhất là đảm bảo đủ xăng dầu cho nhu cầu sử dụng của người dân?
Mục tiêu của việc Nhà nước tham gia quản lý, điều tiết thị trường kinh doanh xăng dầu là nhằm (1) đảm bảo cân đối cung cầu và an ninh năng lượng quốc gia: (2) xây dựng một môi trường cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu; (2) đẩy mạnh phân cấp phân quyền và giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp; (3) đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Để thực hiện đồng thời các mục tiêu này, Bộ Công Thương cần xây dựng được một Nghị định mới có thể tạo môi trường kinh doanh thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu song Nhà nước vẫn duy trì vai trò điều tiết của mình.
Ngoài ra, để đảm bảo đủ xăng dầu cho nhu cầu sử dụng của người dân và duy trì sự ổn định của thị trường xăng dầu, Nhà nước sớm tính toán để dành nguồn lực xây dựng kho dự trữ quốc gia đảm bảo đủ dự trữ xăng dầu trong ít nhất 20 ngày. Đồng thời, xem xét thành lập sàn giao dịch xăng dầu hoạt động công khai minh bạch, giúp thương nhân phân phối có căn cứ đưa ra giá chốt.
Xin cảm ơn ông!