Nắm bắt thời cơ, khởi tạo nền kinh tế mới

Nắm bắt thời cơ, khởi tạo nền kinh tế mới - Ảnh 1

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam 2024 với chủ đề “Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số – chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy chủ trì, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp tổ chức tuần qua, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, cho rằng chúng ta đang đứng trước những xu thế mới, gắn liền với cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Không ít quốc gia, cơ quan, tổ chức từng rất dè dặt khi tiếp cận chính sách đối với những lĩnh vực này, do lo ngại về các vấn đề địa chính trị, chi phí chuyển đổi trong cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, kể từ năm 2021 đến nay, nhiều nỗ lực đẩy nhanh tiến trình số hóa, xanh hóa cuộc sống và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được ghi nhận, với những chuyển biến chưa từng có tiền lệ khi doanh nghiệp đẩy nhanh chuyển đổi kép, ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI).

MÔ HÌNH MỚI NỞ RỘ, DOANH NGHIỆP CHỦ ĐỘNG CHUYỂN MÌNH     

Trong bối cảnh đó, Việt Nam dành không ít nỗ lực, đặc biệt là ở góc độ ban hành các chính sách cho chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Tư duy, giải pháp chính sách cho chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số sớm được xây dựng, cụ thể hóa.

Nhờ đó, ngay từ năm 2021, Việt Nam được Trung tâm châu Âu về Năng lực cạnh tranh số (ECDC) xếp hạng cao nhất ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương về thay đổi tư duy hướng tới chuyển đổi số.

Khung chính sách, pháp lý cho tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn được hoàn thiện như: Chiến lược tăng trưởng xanh, Luật Bảo vệ môi trường, Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Viện trưởng CIEM cho rằng đây là khuôn khổ pháp lý quan trọng cho doanh nghiệp và cả xã hội chuyển đổi nhanh, ứng dụng công nghệ đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi. Không chỉ dừng ở trong nước, Việt Nam cũng chủ động hợp tác với các đối tác phù hợp về các nội dung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Năm 2023, Việt Nam và Singapore thiết lập quan hệ đối tác kinh tế số – kinh tế xanh từ năm 2023.

Những nỗ lực chuyển đổi kép, hướng đến xanh hóa của doanh nghiệp được thể hiện rõ nét. Chia sẻ bên lề diễn đàn, bà Bùi Thúy Ngọc, Giám đốc Công ty BTN Consult, cho biết hiện công ty đang tư vấn đầu tư và phát triển nhiều dự án, trong đó chú trọng đến các dự án kinh tế tuần hoàn. Sắp tới, một tổ hợp dự án lớn phát triển nông nghiệp tuần hoàn kết hợp năng lượng xanh được công ty dự kiến triển khai ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, dự án đặt hàng bà con nông dân trồng cỏ voi, ngô sinh khối để làm thức ăn đầu vào cho trang trại chăn nuôi bò, gà. Chất thải từ trang trại, phế phẩm từ nông nghiệp sẽ được xử lý để sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Hơn nữa, tổ hợp này sẽ sử dụng hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo.

 

“Nhiều khách hàng nước ngoài từ Trung Quốc, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất… hào hứng với dự án và ký kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ”, bà Ngọc chia sẻ.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Công ty BTN Consult, khó khăn hiện nay là việc huy động nguồn vốn trong nước cho dự án. Vì vậy, công ty tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài và hiện quỹ đầu tư từ Mỹ cam kết tài trợ vốn cho dự án hàng tỷ USD.

Công ty TNHH Berlin Love Vietnam hiện đang sản xuất và cung cấp các sản phẩm từ tre có uy tín tại thị trường trong nước và quốc tế. Đại diện công ty cho biết việc huy động nguồn vốn trong nước hiện khó đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, trong khi quỹ đầu tư nước ngoài sẵn sàng cho vay với điều kiện khá chặt chẽ.

Là nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp địa phương, song doanh nghiệp này không “xuôi chèo mát mái” trong các thương vụ đầu tư. Theo lãnh đạo công ty, doanh nghiệp Việt Nam thiếu công nghệ, sổ sách kế toán có vấn đề, không minh bạch khiến nhà đầu tư ngần ngại không dám đầu tư.

Thời gian tới, Berlin Love Vietnam tiếp tục tìm kiếm đối tác tại Việt Nam để sản xuất ra các sản phẩm từ tre xuất khẩu đến các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ… Công ty cũng muốn đưa tiêu chuẩn nước ngoài vào để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao có nguồn gốc từ Việt Nam và đầu tư vào nhà máy với công nghệ hiện đại, không sử dụng hóa chất để xử lý nấm mốc từ tre, để có thể thâm nhập vào thị trường toàn cầu, nâng tầm các sản phẩm mang thương hiệu Việt.

Chia sẻ với VnEconomy, ông Trần Quang Hội, Giám đốc Công ty tư vấn Ecobuy Business and Service Co., Ltd. chuyên tư vấn các thương vụ mua lại và sáp nhập (M&A), cho biết xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội M&A các nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn xanh ngày càng gia tăng. Hiện khách hàng của Ecobuy đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, chủ yếu 30% từ Nhật Bản, 60% từ châu Âu và các quốc gia khác như Đài Loan, Thái Lan, Malaysia…

Các nhà đầu tư nước ngoài đưa ra tiêu chí lựa chọn, với nhiều yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn xanh hóa. Vừa qua, Ecobuy kết nối thành công ba thương vụ mua bán các nhà máy, trong đó có hai nhà máy xanh – sạch trong lĩnh vực sản xuất bulong ốc vít, tấm ép nhựa.

NHIỀU GẬP GHỀNH, THÁCH THỨC

Nhiều ý kiến tại diễn đàn cũng chỉ ra rằng cộng đồng doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Đa phần doanh nghiệp cũng ngần ngại đầu tư và chưa triển khai nhiều dự án trong lĩnh vực này.

Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp thời gian qua, TS. Lê Quang Huy, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Những khó khăn đó do nhiều yếu tố chưa có tiền lệ như đại dịch Covid-19, cạnh tranh địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng. Đồng thời, để phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và chuyển đổi năng lượng, cộng đồng doanh nghiệp cũng gặp không ít thách thức.

Trên lộ trình giảm phát thải, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện với những khó khăn chung như chuyển đổi kép (chuyển đổi số và chuyển đổi xanh), ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng đến Net Zero trong phát triển năng lượng, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) trong xuất khẩu sản phẩm vào EU, Cơ chế chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), thực thi Luật Thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo dòng chảy thông tin, dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới…

Bên cạnh đó là các khó khăn cụ thể như nguồn vốn, tài chính xanh, nhân sự có chuyên môn và lộ trình, cách thức tiến hành, thói quen kinh doanh, công nghệ và các giải pháp kỹ thuật cụ thể…

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 43-2024 phát hành ngày 21/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Nắm bắt thời cơ, khởi tạo nền kinh tế mới - Ảnh 1