Chuyển đổi từ sử dụng và thải bỏ sang “tái tạo và tái sinh” là một bước chuyển mình tất yếu nhưng đòi hỏi tất cả các thành phần trong nền kinh tế phải tham gia – Bà Bích Vân nhấn mạnh.
“Đối với chúng tôi, rác thải nhựa không phải là rác, đó là tài nguyên. Để giữ được tài nguyên này, chúng ta chỉ một một giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất là kinh tế tuần hoàn, giữ nhựa trong vòng tuần hoàn” – Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam chia sẻ với báo chí bên lề Vòng chung kết và Lễ trao giải Cuộc thi “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024”.
Nhựa vốn là một phát minh mang tính cách mạng của nhân loại nhưng giờ đây lại trở thành vấn đề cấp bách về môi trường.
Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra, trong đó 0,28- 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
Việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.
Số liệu từ Báo cáo Nghiên cứu Thị trường cho Việt Nam – Cơ hội và Thách thức đối với Tuần hoàn Nhựa, mỗi năm chỉ có 33% lượng nhựa được tái chế. Số lượng nhựa không được tái chế lên tới 2,62 tấn, gây hao hụt tương đương 2,2 đến 2,9 tỷ USD.
Phát biểu tại Lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh: “Rác thải nhựa đã và đang tác động tiêu cực đến động vật hoang dã, hệ sinh thái và sức khỏe của con người. Điều này đòi hỏi chúng ta cần hành động kịp thời, quyết liệt hơn để giảm thiểu những tác động xấu này. Chỉ có đổi mới sáng tạo, chúng ta mới có thể xây dựng một hệ thống tuần hoàn khép kín, nơi nhựa trở thành tài nguyên, nguyên liệu thay vì rác thải”.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và quy định này đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Đây là một bước tiến quan trọng của chính sách môi trường Việt Nam nhằm yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm thu gom và tái chế, xử lý các sản phẩm, bao bì của mình sau khi người tiêu dùng thải bỏ trong đó có sản phẩm, bao bì nhựa.
Bà Bích Vân cho biết: “Tôi đã gặp nhiều doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến ngành nhựa, và khi hỏi, ai cũng trăn trở về vấn đề rác thải. Do đó, tôi tin rằng, cộng đồng doanh nghiệp chỉ đang chờ đợi giải pháp. Chuyển đổi từ sử dụng và thải bỏ sang “tái tạo và tái sinh” là một bước chuyển mình tất yếu nhưng đòi hỏi tất cả các thành phần trong nền kinh tế phải tham gia”.
Năm 2024, lần đầu tiên Cuộc thi Đổi mới Sáng tạo Tuần hoàn Nhựa được tổ chức, với mục tiêu tìm kiếm và vinh danh các sáng kiến, giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa tại Việt Nam.
“Đây không chỉ là nơi để các ý tưởng độc đáo sáng tạo được tỏa sáng, mà còn là một nơi để chúng ta cùng nhau khám phá tiềm năng của nền kinh tế tuần hoàn” – Chủ tịch Unilever Việt Nam phát biểu.
Sau hơn 5 tháng khởi động và tìm kiếm, chương trình đã nhận được sự tham gia của hơn 1.000 cá nhân và tổ chức từ nhiều lĩnh vực khác nhau, thu hút gần 100 đề xuất giải pháp, ý tưởng đột phá, không chỉ giúp nâng cao hiệu quả xử lý rác thải nhựa mà còn gia tăng nhận thức cộng đồng về sự cấp thiết của vấn đề này. Con số cho thấy sự quan tâm và sẵn sàng hành động của rất nhiều tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết rác thải nhựa.
“Chúng tôi thật sự vui mừng vì một thế hệ trẻ Việt Nam thật tài năng và yêu môi trường, quan tâm và hành động. Còn gì tuyệt vời hơn thế nữa!” – Bà Bích Vân bày tỏ niềm vui.
Dù vậy, bài toán về kinh tế tuần hoàn nói chung và tuần hoàn nhựa nói riêng là một hành trình dài. Không chỉ giải quyết việc tái chế nhựa, các doanh nghiệp còn phải đảm bảo nhựa tái chế có thể cạnh tranh được với nhựa nguyên sinh về chất lượng và giá cả. Không chỉ tái chế nhựa cứng mà còn phải tìm cách tái chế nhựa mềm, nhựa khó giải quyết.
Ngoài ra, phải đảm bảo người tiêu dùng hiểu về giá trị môi trường mà nhựa tái chế mang lại.
Bà Bích Vân cho biết, theo báo cáo của Kantar, rác thải nhựa là mối quan tâm thứ hai của người Việt Nam, chỉ sau an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, trong phần khảo sát về thói quen tiêu dùng, số lượng người tiêu dùng xanh, thay đổi thói quen vẫn rất hạn chế.
Từ năm 2020, Unilever đã thực hiện Dự án “Kinh tế tuần hoàn nhựa” với mục tiêu 100% bao bì sản phẩm đều có thể tái chế vào năm 2025, thu gom và xử lý rác thải nhựa nhiều hơn lượng bao bì sản phẩm mà doanh nghiệp bán ra. Trong giai đoạn từ 2022 đến 2027, Unilever sẽ hợp tác cùng các đối tác để hướng đến mục tiêu thu gom và tái chế 30.000 tấn rác thải nhựa.
Từ khâu thiết kế bao bì sản phẩm, Unilever đã nghĩ đến cách tối ưu hóa giảm nhựa nguyên sinh, tăng khả năng tái chế mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm và trải nghiệm của người tiêu dùng.
Cùng với đó, Unilever phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, SCGC và Dow ký kết sáng kiến “Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa (PPC)”. Đến nay, PPC đã có 28 thành viên bao gồm các công ty tư nhân, nhà tái chế, thu gom, các tổ chức, hiệp hội, chính quyền địa phương, thực hiện tầm nhìn xây dựng Kinh tế tuần hoàn nhựa.
Thông tin cung cấp tại buổi lễ, Unilever đã cắt giảm được hơn 50% nhựa nguyên sinh, 64% bao bì của Unilever có thể tái chế được. Bà Bích Vân cũng cho biết công ty đã đạt trung hòa về nhựa, có nghĩa là Unilever Việt Nam đã thu gom và tái chế nhiều hơn lượng nhựa đưa ra thị trường.
Kết quả cuộc thi:
Bảng Giải pháp Triển vọng
Giải pháp Đột phá trị giá 200 triệu đồng: Giải pháp toàn diện cho hệ thống tái chế chai nhựa tại Việt Nam.
Giải pháp Đổi mới trị giá 100 triệu đồng: Giải pháp thay thế bao bì màng ghép nhôm và nhựa sinh học BUYO
Giải pháp Nổi bật trị giá 50 triệu đồng: Tấm nhựa Eco – Nơi rác thải nhựa tìm thấy cuộc sống mới & ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ VÀO THU GOM RÁC THẢI NHỰA.
Bảng Ý tưởng Đổi mới Sáng tạo
Ý tưởng Sáng tạo Vượt trội trị giá 50 triệu đồng: HACIN – biến rác thải nhựa thành vật liệu xây dựng tự phục hồi
Sáng kiến được Yêu thích nhất trị giá 30 triệu đồng: Hệ thống phân loại rác thải nhựa tự động DTS
Linh Linh