Đến năm 2030: 50% nhà dân và văn phòng ở Đà Nẵng sẽ sử dụng điện mặt trời mái nhà

UBND Thành phố Đà Nẵng vừa đặt ra các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển thêm 30MW công suất nguồn điện mặt trời mái nhà (số liệu tính từ năm 2021 đến năm 2030). Thành phố này cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà.

Cũng theo kế hoạch đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ phát triển 18MW nguồn điện từ xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ Nhà mày đốt chất thải rắn phát điện tại Khánh Sơn. Tiếp tục nghiên cứu khảo sát địa điểm phát triển tiềm năng điện gió; phấn đấu đến năm 2030 phát triển được dự án điện gió. Phát triển năng lượng khí sinh học, năng lượng khí thiên nhiên, năng lượng sóng biển, thủy điện nhỏ và phân tán.

Để đạt mục tiêu kế hoạch, Đà Nẵng đã đề ra các giải pháp cụ thể như khuyến khích lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các trụ sở công, gồm trụ sở cơ quan ban, ngành, UBND các cấp, các cơ sở y tế, trường học; khuyến khích lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà có hệ thống lưu trữ điện; xử lý các chất thải phát sinh trong lĩnh vực phát triển sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới theo quy định;

Cùng với đó lựa chọn lắp đặt tấm pin mặt trời có hiệu suất cao, thân thiện môi trường, hệ thống lưu trữ đảm bảo chất lượng điện năng; lựa chọn công nghệ xử lý rác hiện đại, hiệu suất cao để phát điện tại các dự án đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố.

Đà Nẵng cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức để đầu tư, phát triển các dự án điện mặt trời mái; thực hiện hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, thí điểm xây dựng lưới điện thông minh.

Kế hoạch giao Sở Công Thương chủ trì, tham mưu cho UBND thành phố triển khai thực hiện quản lý nhà nước về phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn theo quy định, đáp ứng quy mô phát triển năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thẩm định dự án năng lượng tái tạo đầu tư trên địa bàn thành phố, theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư xây dựng và các quy định liên quan khác.

Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, các đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại cơ quan, đơn vị và đơn vị trực thuộc.

Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao phối hợp với Sở Công Thương trong đầu tư công dự án Hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các trụ sở công, phù hợp với quy định về Luật Đầu tư công và các quy định khác có liên quan.

Đối với các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo và các tổ chức, cá nhân có liên quan được yêu cầu tổ chức triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các dự án năng lượng tái tạo theo đúng quy hoạch và quy định của pháp luật.

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Văn Quảng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, thông tin Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện xây dựng Nghị định có liên quan đến việc xây dựng điện áp mái. Theo đó, quan điểm là sẽ phát triển điện áp mái để cho người dân, doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước chủ động sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.