Liên minh châu Âu (EU) hiện bao gồm 27 quốc gia thành viên, dân số khoảng 450 triệu người. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, GDP năm 2021 của EU đạt 17 ngàn tỷ USD chiếm gần 18% tổng GDP toàn cầu, GDP bình quân đầu người đạt trên 38.000 USD.
EU là thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản lớn thứ 3 thế giới. Hàng năm EU nhập khẩu khoảng trên 300 tỷ USD các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Năm 2024, dự báo kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của EU sẽ đạt khoảng 345,14 tỷ USD, tốc độ tăng khoảng 7,16%; kim ngạch nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của EU khoảng 323,4 tỷ USD tăng 6,44%.
Dẫn số liệu từ Eurostat năm 2020, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, kim ngạch nhập khẩu nông, lâm, thủy sản từ Việt Nam sang EU đạt khoảng 1,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của EU xếp thứ 11 trong trong danh sách các nước xuất khẩu nông lâm thủy sản vào EU. EU là 1 trong 4 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và ASEAN.
Về quản lý an toàn thực phẩm chung, EU tiếp cận theo hướng tích hợp đối với an toàn thực phẩm bao gồm tất cả các lĩnh vực của chuỗi thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Ảnh minh họa |
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU nhấn mạnh, hệ thống pháp luật của EU về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật hoàn thiện, đầy đủ và minh bạch, thường xuyên được sửa đổi bổ sung nhằm đảm bảo và bảo vệ sức khỏe con người, động, thực vật và môi trường.
Cho đến nay EU công nhận Việt Nam và được phép xuất khẩu các động vật vào EU. Hiện tại chỉ có các nhóm sản phẩm có nguồn gốc động vật của Việt Nam được xuất khẩu sang EU là thủy sản và động vật thân mềm hai mảnh vỏ, ốc, đùi ếch, gelatine, collagen, một vài loại sản phẩm chế biến từ sản phẩm phụ động vật, thức ăn vật nuôi trong nhà và mật ong.
Việt Nam hiện đang xem xét đăng ký để đưa sản phẩm gia cầm và thỏ vào danh mục được phép xuất khẩu vào EU. Danh sách các doanh nghiệp được EU chấp thuận gần 600 doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản (thủy sản: 523 doanh nghiệp; nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, đùi ếch, ốc: 33 doanh nghiệp; sản phẩm chế biến động vật geletine, collagen, mật ong: 16 doanh nghiệp…).
Về quản lý an toàn thực phẩm chung, EU tiếp cận theo hướng tích hợp đối với an toàn thực phẩm bao gồm tất cả các lĩnh vực của chuỗi thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Nông sản, thực phẩm hàng hóa của các nước thứ ba bên ngoài EU tiếp cận thị trường, EU áp dụng các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm đối với nhóm sản phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật khác nhau. Nhóm sản phẩm có nguồn gốc thực vật, EU áp dụng cách tiếp cận mở và mang tính hậu kiểm khác với các biện pháp của các đối tác nhập khẩu nông sản thực phẩm lớn khác.
Đối với nhóm sản phẩm có nguồn gốc động vật gồm cả động vật trên cạn và dưới nước, có cách tiếp cận chặt chẽ theo 3 tiêu chí quốc gia, nhóm sản phẩm và doanh nghiệp được EU phê duyệt, kèm theo các chương trình kiểm soát quốc gia thực hiện song song hoặc một số loại, bệnh, vi sinh vật gây hại trên động vật cả trên cạn và dưới nước, kiểm soát các chất tồn dư độc tố, kháng sinh trong sản phẩm động vật và các chương trình kiểm soát vi sinh vật, độc tố kim loại nặng đối với thủy sản, kế hoạch giám sát, dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm… mới được phép tiếp cận thị trường EU.
Việt Nam là một trong 4 nước châu Á ký Hiệp định Thương mại tự do với EU, Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) hiệu lực từ 1/8/2020, đem lại nhiều cơ hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Tuy nhiên, trong thực tế cũng đặt ra không ít thách thức cho xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam khi thuế quan giảm xuống nhưng vẫn đối mặt các khó khăn liên quan đến các quy định rào cản kỹ thuật tại thị trường EU ngày càng có xu hướng tăng lên và thực hiện sâu rộng hơn.
Xu hướng người tiêu dùng EU đang ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn đối với nông lâm thủy sản nhập khẩu về các vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm; thân thiện với môi trường, giảm phát thải carbon, ghi nhãn năng lượng, phúc lợi động vật; và thể hiện trách nhiệm xã hội và thậm chí chấp nhận một số sản phẩm mới lạ từ bên ngoài tiếp cận thị trường EU.
Những thay đổi lớn trong cách tiếp cận thị trường
Liên quan đến Luật Bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật EU, Thương vụ cho biết, luật mới tạo ra thay đổi lớn trong cách tiếp cận chủ động hơn nhằm mục đích ngăn chặn sự xâm nhập hoặc lây lan của dịch bệnh và sinh vật gây hại cho cây trồng hoặc các sản phẩm thực vật trên phạm vi toàn EU.
Quy định mới của EU về sức khỏe thực vật nhằm mục đích bảo vệ nông và lâm nghiệp châu Âu, ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của các sinh vật gây hại. Các biện pháp này là bắt buộc không thể thiếu để bảo vệ sức khỏe, nền kinh tế và khả năng cạnh tranh của trồng trọt và môi trường của EU, cũng như duy trì chính sách thương mại mở của Liên minh Châu Âu.
Theo quy định mới, để thâm nhập lãnh thổ EU, tất cả loại thực vật sống phải yêu cầu kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật phù hợp với quy định của EU. Ảnh minh họa |
Theo quy định mới, để thâm nhập lãnh thổ EU, tất cả loại thực vật sống (bao gồm toàn bộ cây, bộ phận của cây, quả, hoa cắt cành, hạt…) phải yêu cầu kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật phù hợp với quy định của EU. EU cũng quy định miễn các yêu cầu cung cấp giấy chứng nhận kiểm dịch trong các trường hợp sau với điều kiện không có nguy cơ lây lan các sinh vật gây hại: Không yêu cầu giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật đối với 5 loại trái cây việc nhập khẩu gồm: dứa, chuối, dừa, sầu riêng và chà là…
Việc kiểm tra bổ sung, tăng tần suất kiểm tra trong các trường hợp khẩn cấp đối với một số sản phẩm có nguồn gốc thực vật của một số nước vào thị trường EU nguy cơ cao về khả năng lây lan sinh vật gây hại cây trồng hoặc tác động tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng và môi trường… EU cũng đưa ra các biện pháp kiểm soát dài hạn phòng chống một số bệnh đối với cây trồng gây anh hưởng tại một số khu vực của EU.
Liên quan đến quản lý thuốc bảo vệ thực vật, EU quy định mức dư lượng tối đa (MRL) mặc định là 0,01 mg/kg đối với các chất trong danh mục được phép sử dụng. Quy định này cho phép các nhà xuất khẩu yêu cầu “dung sai nhập khẩu” đối với các hoạt chất chưa được đánh giá hoặc sử dụng ở EU.
Ngoài ra, EU cũng ra quy định mới về giới hạn dư lượng tối đa (MRL), EU đưa ra quy định áp dụng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với tất cả các loại sản phẩm nông nghiệp làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Quy định này bắt buộc đối với cả sản phẩm nông nghiệp sản xuất tại EU và nhập khẩu.
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU nhấn mạnh, các quy định chặt chẽ hơn của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật mới EU có tác động lớn đến các nước thứ ba xuất khẩu thực vật và sản phẩm thực vật vào EU. Những tác động này ảnh hưởng đến cả cơ quan quản lý, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tư nhân. Cơ quan có thẩm quyền tại các nước xuất khẩu phải đảm bảo xây dựng biện pháp cần thiết, tăng cường đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, áp dụng một cách hiệu quả trong toàn bộ quá trình sản xuất, xuất khẩu để đảm bảo rằng hàng hóa xuất khẩu đáp ứng đầy đủ các quy định mới của EU. Khả năng hiện diện, mức độ gây hại thấp, đặc biệt là những loại dịch hại gây ra mối nguy cho lãnh thổ EU và không tuân thủ, kiểm soát tốt các biện pháp kiểm dịch có thể dẫn đến việc áp dụng các biện pháp kiểm soát bổ sung hoặc cấm nhập khẩu.
Đối với các cơ quan có thẩm quyền ở một số nước xuất khẩu, việc đáp ứng các quy định mới đòi hỏi phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhân lực, xây dựng năng lực và tập trung nguồn lực để đáp ứng các các yêu cầu, quy định, thanh tra và các các yêu cầu bổ sung. Tác động đối với cả khu vực công và tư nhân, đặc biệt ở một số nước thứ ba khi chuỗi giá trị bị yêu cầu áp dụng các yêu cầu đặc biệt đối với xuất khẩu thực vật và sản phẩm thực vật.
Thương vụ nhấn mạnh, các nhà sản xuất ở các nước xuất khẩu bên ngoài EU phải đối mặt với khó khăn, thách thức, những yêu cầu bổ sung trong việc giải quyết vấn đề kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm thực phẩm xuất khẩu. Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật mới của EU được ban hành thực thi trong bối cảnh, khuyến khích nông dân có xu hướng giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất và mức dư lượng thuốc trừ sâu tối đa được phép tồn dư trong sản phẩm giảm.