Hành động của NATO ở Ukraine có thể gây xung đột hạt nhân; Kiev sử dụng vũ khí cấm trên chiến trường

Hành động của NATO ở Ukraine có thể gây xung đột hạt nhân; Kiev sử dụng vũ khí cấm trên chiến trường

Sự tham gia ngày càng tăng của các nước NATO vào cuộc xung đột ở Ukraine có thể dẫn đến xung đột hạt nhân.

Nhận định trên là của bà Sahra Wagenknecht, người sáng lập và đồng chủ tịch đảng “Liên minh Sahra Wagenknecht – Lý trí và công lý” (BSW) nói trong cuộc phỏng vấn với tập đoàn truyền thông Funke.

Nếu NATO tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine, sẽ đến lúc Nga tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ NATO và khi đó cuộc xung đột này sẽ rất nhanh chóng leo thang thành xung đột hạt nhân, bởi vì đây là khu vực duy nhất mà Nga không thua kém NATO”, bà Sarah nói.

Hành động của NATO ở Ukraine có thể gây xung đột hạt nhân; Kiev sử dụng vũ khí cấm trên chiến trường
Bà Sahra Wagenknecht, người sáng lập và đồng chủ tịch đảng “Liên minh Sahra Wagenknecht – Lý trí và công lý”. Ảnh: AP

Theo bà, chính vì lý do này mà việc Đức để mình bị lôi kéo sâu hơn vào cuộc xung đột ở Ukraine là “cực kỳ nguy hiểm”.

Nghị sĩ Đức cho rằng, trước khi bắt đầu xung đột ở Ukraine, có 4.000 binh sĩ NATO ở đó, 12 căn cứ của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) nằm gần biên giới với Nga và các cuộc tập trận chung được tổ chức ở Biển Đen.

Sự tham gia vào vùng ảnh hưởng của quân đội Mỹ đang diễn ra sôi nổi. Nga bắt đầu cuộc chiến khi mà theo quan điểm của họ, chưa quá muộn”, bà Sarah nhấn mạnh.

Phát hiện loại vũ khí cấm đang được Ukraine sử dụng

Tờ New York Times đưa tin, quân đội Ukraine đang sử dụng UAV phát ra kim loại nóng.

Ukraine đã tạo cho loại vũ khí này chức năng mới bằng cách gắn các hộp nhiệt nhôm vào UAV và làm cho chúng có khả năng phóng ra kim loại nóng chảy cháy ở nhiệt độ 2.427 độ C. Các binh sĩ của lực lượng vũ trang Ukraine đã đặt cho chúng tên UAV rồng lửa”, New York Times viết.

Các nhà báo Mỹ cho rằng, hỗn hợp thermite chứa bột nhôm và oxit sắt, được sử dụng trong hộp đựng UAV, gần như không thể dập tắt một khi đã đốt cháy.

Hành động của NATO ở Ukraine có thể gây xung đột hạt nhân; Kiev sử dụng vũ khí cấm trên chiến trường
Phát hiện loại vũ khí cấm đang được Ukraine sử dụng. Ảnh: AP

Bất chấp cảnh báo từ Văn phòng giải trừ quân bị của Liên hợp quốc, trong đó chỉ ra hỗn hợp đó có thể gây ra tàn phá lớn và hủy hoại môi trường.

Việc sử dụng hợp chất thermite không được khuyến khích vì các đám cháy mà chúng tạo ra rất khó kiểm soát và chúng có thể ảnh hưởng đến dân thường, đồng thời gây ra thiệt hại lớn về môi trường”, Văn phòng giải trừ quân bị của Liên hợp quốc nhấn mạnh.

Lực lượng vũ trang Ukraine được cho cũng phớt lờ quan điểm của Tổ chức theo dõi nhân quyền, trong đó chỉ ra hậu quả kinh hoàng của việc sử dụng vũ khí gây cháy có hỗn hợp thermite.

Theo các chuyên gia, thermite không nổ, nhưng tạo ra nhiệt độ cực cao đến mức nó có thể đốt cháy và phá hủy hầu hết mọi vật liệu – quần áo, cây cối, lá cây, sắt thép, thậm chí cả xe quân sự. Nó cũng có thể cháy dưới nước.

Đối với con người, vũ khí này có thể gây tử vong hoặc gây bỏng nặng, tổn thương xương. Nó cũng có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp và chấn thương tâm lý.

Theo Tổ chức phi chính phủ Anh Action on Armed Violence (AOAV), việc kết hợp thermite với UAV có độ chính xác cao có thể vượt qua các biện pháp phòng thủ truyền thống. Điều này khiến những UAV rồng lửa “rất hiệu quả” và “nguy hiểm”.

UAV rồng lửa có xu hướng bay thấp vì thermite sẽ hoạt động hiệu quả hơn khi tiếp xúc gần với mục tiêu. Ngoài việc gây ra thiệt hại đáng kể cho đối phương, vũ khí này cũng có khả năng hỗ trợ các đơn vị Ukraine thực hiện nhiệm vụ trinh sát. Các nhà phân tích cho biết, khi lớp lá cây bị đốt cháy, hoạt động ném bom có khả năng sẽ chính xác hơn.

Cận cảnh Nga phóng tên lửa đạn đạo công phá căn cứ của quân đội Ukraine

Quân đội Nga mới đây đã phóng tên lửa đạn đạo Iskander tấn công một trại lính thuộc lữ đoàn cơ giới độc lập số 72 của các lực lượng Kiev ở thành phố Pavlograd, miền đông Ukraine.

Truyền thông Ukraine xác nhận, lữ đoàn 72 của Kiev đã hứng chịu tổn thất nặng nề trong giao tranh với quân Nga nhằm giành kiểm soát thị trấn Ugledar ở vùng miền đông Donbass và đã buộc phải rút lui khỏi nơi này.

Theo truyền thông Nga, lữ đoàn 72 dường như đã được rút về một khu công nghiệp ở Pavlograd, cách Pokrovsk, một điểm nóng khác ở tiền tuyến, khoảng 100km về phía tây.

Đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga công bố được UAV ghi lại cho thấy, một tòa nhà đang bốc cháy sau khi bị tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M của Moscow, với tầm bắn lên tới 400km nhắm mục tiêu. Hiện không rõ cuộc tấn công được thực hiện chính xác khi nào.

Trong khi Ukraine vẫn chưa lên tiếng bình luận về thông tin phía Nga đưa ra.

Iskander-M là tên lửa đạn đạo tầm ngắn di động với tầm hoạt động tối thiểu là 50km và tầm hoạt động tối đa là 500km. Khi được trang bị hệ thống dẫn đường tự động quang học thì sai số trượt mục tiêu chỉ là 5-7mét.

Hệ thống tên lửa có khả năng hạt nhân này được thiết kế thời Liên Xô để phá hủy các mục tiêu giá trị cao phía sau phòng tuyến đối phương, đồng thời không vi phạm Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung 1987 (INF).

Iskander-M có thể được trang bị cả các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Các tên lửa hành trình được phóng từ hệ thống này có thể bay ở độ cao cực thấp để tránh bị phát hiện.

Hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander-M có độ linh hoạt cao, ngắm bắn được cả mục tiêu tĩnh lẫn động, bao gồm công sự và cơ sở hạ tầng kiên cố. Hệ thống được trang bị đạn dẫn đường chính xác, giúp giảm các thiệt hại bên lề mà vẫn tối ưu hóa được tổn thất trực tiếp gây ra cho đối phương.