“Công xưởng” gia công, chế biến điều thô
Là một trong những ngành hàng nông sản có thế mạnh xuất khẩu, nhiều năm qua, ngành điều Việt Nam dẫn đầu cuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), Việt Nam hiện đang là “công xưởng” gia công, chế biến điều thô lớn nhất thế giới, xuất khẩu sang các thị trường chính như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc…
Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện chiếm gần 80% lượng điều nhân xuất khẩu của thế giới; lượng điều thô được chế biến bởi các nhà máy điều Việt Nam chiếm 60% sản lượng điều thô toàn cầu. Năm 2023, xuất khẩu điều cả nước đạt hơn 644.000 tấn, kim ngạch hơn 3,64 tỷ USD, tăng 24% về lượng và tăng 18% về kim ngạch so với năm 2022.
Việt Nam hiện đang là “công xưởng” gia công, chế biến điều thô lớn nhất thế giới, xuất khẩu sang các thị trường chính như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… Ảnh minh họa |
Tỉnh Bình Phước được coi là thủ phủ của hạt điều, đứng đầu về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Ông Vũ Ngọc Long – Giám đốc Sở Công Thương Bình Phước – cho biết, diện tích canh tác điều trên toàn tỉnh gần 149,7 nghìn ha, chiếm gần 50% tổng diện tích trồng điều của cả nước nên Bình Phước, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.400 cơ sở chế biến hạt điều quy mô nhỏ và vừa, đồng thời đứng đầu cả nước về sản lượng, kim ngạch xuất khẩu hạt điều.
Năng suất điều Bình Phước bình quân giai đoạn 2020 – 2024 đạt 12,7 tạ/ha. Khu vực sản xuất điều cho năng suất bình quân cao đạt từ 1,8 tấn/ha tập trung tại các xã: Bom Bo, Minh Hưng (huyện Bù Đăng), Bình Thắng (huyện Bù Gia Mập), Phú Trung (huyện Phú Riềng).
Để hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu ngành điều, tỉnh đã hỗ trợ cho 10 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều tham gia liên kết với 38 đơn vị (hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại) với diện tích liên kết với khoảng 4,5 nghìn ha; trong đó, chuỗi liên kết điều được chứng nhận hữu cơ Hoa Kỳ (USDA Organic) và chứng nhận hữu cơ châu Âu (organic EU) với khoảng 3,5 nghìn ha.
Cũng theo Giám đốc Sở Công Thương Bình Phước, với tâm thế chủ động trong hội nhập, Bình Phước đã chỉ đạo các sở ngành phối hợp triển khai tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh nhà tận dụng ưu đãi và cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Qua đó, nâng cao nhận thức, hiểu biết về các nội dung cam kết cũng như khai thác tối đa lợi thế xuất khẩu và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, trên cơ sở khai thác và hỗ trợ hiệu quả cho các ngành hàng có lợi thế cạnh tranh cao, duy trì tốc độ tăng trưởng những ngành hàng đã có vị trí cao, đồng thời quan tâm đầu tư thích đáng cho những ngành hàng có tiềm năng phát triển.
Xây dựng hệ sinh thái khai thác FTA – giải pháp trước mắt
Đề cập đến những lợi thế khi thực thi FTA đối với việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) – cho biết, hiện nay, Việt Nam đã thực thi 16 FTA và tiếp tục đàm phán các FTA khác trong thời gian tới. Điều này tạo ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động xuất khẩu của mình.
Xây dựng hệ sinh thái tận dụng các FTA cho ngành điều là giải pháp giúp xáo bỏ những lực cản lớn nhất trong hoạt động chế biến và xuất khẩu điều nhân. Ảnh minh họa |
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực tận dụng hiệu quả các FTA, tăng trưởng doanh thu từ xuất khẩu lớn và ổn định, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Đặc biệt đối với Hiệp định EVFTA, qua hơn 4 năm thực thi, EVFTA đã tạo bước đi thuận lợi về cơ hội đa dạng hóa thị trường cũng như mở rộng mặt hàng xuất khẩu cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đối với nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân. Đó là tính cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu.
Đối với ngành điều, các chuyên gia nhận định, vị thế xuất khẩu của mặt hàng điều sẽ mất nếu không kịp thời thay đổi hoặc tìm hướng rẽ mới. Bởi nguồn nguyên liệu chế biến phần lớn đến từ nhập khẩu. Đây chính là lực cản lớn cho sự phát triển bền vững của ngành chế biến và xuất khẩu điều nhân, nhất là trong bối cảnh thị trường nhiều biến động như hiện nay. Theo đó, giải pháp trước mắt là xây dựng hệ sinh thái tận dụng các FTA cho ngành điều.
Hiện Bộ Công Thương đã nghiên cứu mô hình Hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA; trong đó có mô hình Hệ sinh thái tận dụng FTA cho ngành điều. Tiêu chí tham gia đối với các doanh nghiệp gồm doanh nghiệp uy tín, tài chính ổn định; có hệ thống nhà xưởng máy móc chế biến đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu; cam kết phát triển bền vững, cam kết thu mua hàng hóa của nông dân, cam kết không cạnh tranh thiếu lành mạnh; có nguồn khách hàng tiềm năng, ưu tiên doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu ổn định, bền vững.
Nhận định, đánh giá về mô hình hệ sinh thái tận dụng FTA cho ngành điều, ông Hoàng Trọng Thuỷ – chuyên gia cao cấp về nông nghiệp cho rằng, nhiều năm qua, ngành điều Việt Nam dẫn đầu chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, thế nhưng vị thế đó đang lung lay và sẽ mất nếu không kịp thời thay đổi hoặc tìm hướng rẽ mới, giải pháp trước mắt là xây dựng hệ sinh thái tận dụng các FTA cho ngành điều.
Đặc biệt, các doanh nghiệp chế biến điều xuất khẩu trực tiếp là các nhà máy vốn đầu tư nước ngoài khiến không ít nhà máy vừa và nhỏ lâm vào tình cảnh bế tắc, thậm chí có nhà máy tạm dừng hoạt động và đóng cửa. Đây là hệ quả của việc cho phép nhập khẩu điều nhân mà không áp dụng kèm theo các biện pháp bảo vệ ngành điều và chế biến điều trong nước.
“Do đó, để tối ưu hóa lợi ích từ các FTA, ngành điều Việt Nam cần tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, chính sách; đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào; nâng cao chất lượng sản phẩm; và đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến sản xuất. Việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử cũng có thể là sự lựa chọn hướng đi đột phá” – chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy khẳng định.