Việt Nam hiện có hơn 40.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics, được Cơ quan hàng hải Mỹ cấp phép. Việt Nam cũng xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu, theo bảng xếp hạng Agility 2022.
Tại hội thảo “Vai trò của vận tải xanh- Green Logistics trong xu thế quốc tế đương đại tăng trưởng xanh phát triển bền vững hướng tới Net zero 2050” chiều ngày 15/10/2024, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh logistics xanh là hoạt động logistics hướng tới các mục tiêu bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường, giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo đó, các hoạt động này bao gồm: dịch vụ vận chuyền, xử lý và lưu trữ nguyên vật liệu, kiểm soát hàng tồn kho, kho bãi, đóng gói và các quyết định vị trí phân bổ hàng hóa…
Logistics xanh ngày càng được Chính phủ và các doanh nghiệp tập trung quan tâm, đầu tư . Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải ngày càng được đầu tư xây dựng và mở rộng. Đặc biệt, một loạt hệ thống đường cao tốc trọng điểm được xây dựng, cải tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải tại Việt Nam tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển.
Ngoài ra, hệ thống cảng biển cũng được cải thiện, chú trọng đầu tư, cải tiến liên tục; tiếp cận những dịch vụ vận tải tiên tiến, hiện đại và thân thiện môi trường hơn.
TS Lê Ngọc Cầu, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tưởng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho hay: “Bộ Giao thông Vận tải đã có mục tiêu và lộ trình chuyển đổi xanh để hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050”,
Theo đó, đến năm 2030 sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải đã sẵn sàng về công nghệ, thể chế, nguồn lực.
Năm 2050, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Ngành giao thông vận tải, logistics nói chung có tiềm năng cắt giảm khí nhà kính thông qua chuyển đổi nguồn nhiên liệu, năng lượng”.
Chia sẻ vấn đề này, TS. Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozon, Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng thuận lợi của giao thông, vận tải xanh là chính quyền các thành phố và doanh nghiệp đã đầu tư phương tiện, hệ thống hạ tầng liên quan nhằm đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, việc thực hiện giao thông xanh gặp một số khó khăn trong thuyết phục để người dân chủ động chuyển sang sử dụng các phương tiện công cộng nói chung và phương tiện giao thông xanh. Bên cạnh đó, thị trường hiện chưa tiếp cận được nhiều nguồn cung cấp để có sự cạnh tranh và có lựa chọn hấp dẫn hơn về giá cho người dân lựa chọn.
Theo chuyên gia này người dân đóng vai trò quan trọng trong quá trình xanh hóa phương tiện giao thông, bởi họ là những người trực tiếp sử dụng phương tiện, tham gia giao thông. Sản xuất và sử dụng các phương tiện xanh sẽ làm giảm sự phụ thuộc vào các nguyên liệu hóa thạch tự nhiên, do đó giúp tiết kiệm các chi phí khai thác và xử lý môi trường cho quốc gia.
Logistics xanh tới các mục tiêu bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường là hướng đi tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập và phát triển cho các doanh nghiệp. Đây cũng là sự đồng hành bắt buộc đối với ngành vận tải trong lộ trình Net Zero.
Để thực hiện chương trình vận tải xanh, logistics xanh, ông Bùi Văn Quỳ, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển ASEAN, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho rằng rất cần các yếu tố về thể chế, hạ tầng và con người.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải hỗ trợ phát triển xanh, dần đầu tư về hạ tầng, tài chính, công nghệ, năng lượng xanh và sạch… Cần xây dựng các tiêu chí cụ thể hơn, từ đó cấp chứng nhận Xanh cho các doanh nghiệp đạt được các tiêu chí. Đó cũng là mục tiêu để doanh nghiệp hướng tới các tích cực hơn trong chuyển đổi xanh.
Chia sẻ nguồn lực tài chính cũng như cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, ông Nguyễn Tuấn Phát, Giám đốc quan hệ Chính phủ và dịch vụ công Quỹ Asia Quỹ Capital Vietnam thông tin, hiện nay có các quỹ đầu tư từ Liên minh châu Âu, Hiệp hội doanh nghiệp Canada, Australia… với nguồn vốn hàng chục, thậm chí hàng tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh.
“Điều quan trọng là các Hiệp hội cần chủ động hơn trong tiếp cận các nguồn vốn này để giới thiệu cho doanh nghiệp”, ông Phát nói.