Nan giải việc tái chế rác thải nhựa

Thời gian gần đây, kinh tế tuần hoàn được nhắc nhiều trên các phương tiện truyền thông. Nó được xem là một giải pháp góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, tái chế nhựa được quan tâm hàng đầu nhưng lại không đơn giản.

Tại Việt Nam, tỷ lệ tiêu thụ chất dẻo bình quân đầu người ở Việt Nam tăng nhanh từ 3,8 kg/người năm 1990 lên 63 kg/người năm 2017, tốc độ tăng trung bình 10,6%/năm. Bình quân một hộ gia đình Việt Nam sử dụng 223 túi nilon/tháng, tương đương 1kg túi nilon/hộ/tháng. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, chiếm khoảng 8 – 12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Điển hình như tại các TP lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh, số lượng rác thải nhựa mỗi ngày thải ra môi trường lên tới 80 tấn. Chỉ có 10% rác thải nhựa Việt Nam được đem đi tái chế, còn lại hơn 90% được đem đi chôn, lấp hoặc xả ra môi trường.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam là nước có tỷ lệ rác thải nhựa đại dương cao, cộng với ô nhiễm nguồn nước nên dự kiến Việt Nam thiệt hại 3,5% tổng sản phẩm nội địa (GDP) vào năm 2035, cùng với đó là dự báo biến đổi khí hậu và thiên tai sẽ ảnh hưởng tới 11% GDP của Việt Nam đến năm 2030.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tái chế nhựa thấp ở Việt Nam như: thiếu nhu cầu bền vững đối với nhựa tái chế tại địa phương, khả năng tiếp cận tài chính của đơn vị tái chế, đặc biệt là DN vừa và nhỏ. Ngoài ra, tỷ lệ tái chế nhựa thấp còn do nguồn cung không đều và có rủi ro từ khu vực phi chính thức, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu phế liệu nhựa, không có tiêu chuẩn thiết kế để tái chế, và hệ thống quản lý chất thải ưu tiên thu gom và xử lý hơn so với tái chế.

Hiện tại ở Hà Nội, chất thải nhựa cũng là vấn đề nan giải. Chất thải nhựa trong sinh hoạt vẫn chưa được thu gom và xử lý riêng và phần lớn bị lẫn với chất thải rắn sinh hoạt để đưa lên xử lý tại bãi chôn lấp. Việc chôn lấp và xử lý chung gây nhiều khó khăn cho công tác xử lý rác, ảnh hưởng tới quá trình phân hủy rác, hòa tan các hạt vi nhựa và nước rỉ rác, lãng phí tài nguyên. Thêm vào đó, chất thải nhựa nằm lại tại khu xử lý chủ yếu là túi nilon.

Để khuyến khích mọi thành phần cùng tham gia

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, do thói quen tiêu dùng của người Việt, chất thải là túi nilon chiếm thành phần khá lớn trong thành phần nhựa thải. Các túi nilon này nhỏ, mỏng, ít có giá trị đối với người thu gom, tái chế nên tồn tại khá nhiều trong các bãi chôn lấp và hầu như không bị phân hủy. Các túi nilon nếu bị đốt tại các bãi rác hở sẽ gây ô nhiễm môi trường không khí do phát thải các khí ô nhiễm như HCl, VOC, Dioxin, Furan…

“Trong khi đó, công tác tái chế chất thải nhựa trên địa bàn TP Hà Nội hoạt động phần lớn theo hình thức tự phát, tự hình thành các làng nghề, công nghệ lạc hậu, chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cấp phép gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng” – PGS.TS Bùi Thị An đánh giá.

Câu chuyện rác thải nhựa và tái chế rác thải nhựa, quả thực luôn là đề tài nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là các chuyên gia và DN. Ngay tại các làng nghề có hoạt động tái chế rác thải nhựa của Hà Nội cũng là những “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường. Có thể kể đến làng nghề tái chế ở xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai hay Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa… Nơi đây thương xuyên xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông… do ảnh hưởng từ các cơ sở tái chế nhựa. Thậm chí có khi các hộ tái chế nhựa còn đốt các phế liệu không thể tái chế, khói đen mù mịt, nồng nặc mùi khét, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân sở tại và lân cận.

“Tôi được biết, Hà Nội cũng đã có nhiều hành động cụ thể để hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa một lần. Ví như như Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/10/2019 của UBND TP Hà Nội về phòng, chống rác thải nhựa và túi nilon đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; yêu cầu giảm thiểu chất thải nhựa đối với các cơ quan hành chính nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội và đơn vị sự nghiệp trực thuộc TP… và cũng thu được hiệu quả nhất định. Còn về tái chế rác thải nhựa – đây là bài toán nan giải không chỉ với Hà Nội mà với cả nước” – PGS.TS Bùi Thị An nhận định và cho rằng, để giảm thiểu rác thải nhựa, phát triển công nghệ tái chế thì Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ giai đoạn đầu cho các DN tái chế. Có như vậy mới hình thành được khu công nghiệp tái chế rác thải, ngành tái chế khi đó mới phát triển bài bản, khoa học và đảm bảo an toàn.

Cũng theo PGS.TS Bùi Thị An, trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.

Theo đó, từ đầu năm 2024, quy định EPR – trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong việc tái chế theo Luật Bảo vệ môi trường sẽ chính thức được áp dụng. Các DN sản xuất sẽ có trách nhiệm tái chế sản phẩm và thu gom, xử lý chất thải. DN không thực hiện có thể bị phạt tiền lên tới 2 tỷ đồng, đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. “Trong trường hợp người ta không tự tái chế thì đấy là một chi phí bắt buộc đóng cho Nhà nước”- PGS.TS Bùi Thị An phân tích.