Nga – Ukraine giao tranh ác liệt ở nhiều khu vực; Triều Tiên tuyên bố ‘nóng’ về đường biên giới

Nga - Ukraine giao tranh ác liệt ở nhiều khu vực; Triều Tiên tuyên bố 'nóng' về đường biên giới

Nga ‘hạ’ hơn 2.100 lính Ukraine trong 24h; Triều Tiên tuyên bố ‘nóng’ về đường biên giới… là những thông tin nóng thế giới đáng chú ý ngày 18/10/2024.

Nga đã thực hiện nhiều cuộc tấn công ác liệt

Theo hãng thông tấn TASS, thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, trong 24 giờ qua, các cuộc giao tranh ác liệt đã diễn ra tại các khu vực nóng như Kharkov, Kupyansk, Lozovaya, Seversk, Kurakhovo, Dzerzhinsk, Selidovo và các vùng lân cận. Các nhóm tác chiến Nga đã thực hiện nhiều cuộc tấn công, tiêu diệt sinh lực và phá hủy vũ khí trang bị của đối phương.

Nhóm Tác chiến phía Bắc đã gây tổn thất cho ba lữ đoàn Ukraine tại khu vực Kharkov, tiêu diệt gần 45 binh sĩ và phá hủy ba lựu pháo D-30 122mm. Các cuộc giao tranh ác liệt tập trung vào các khu vực Liptsy, Russkaya Lozovaya và Volchanskiye Khutora.

Nhóm Tác chiến phía Tây báo cáo về một đòn tấn công thành công, tiêu diệt 460 binh sĩ Ukraine. Các cuộc phản công của các lữ đoàn cơ giới 14, 44 và Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine đã bị đẩy lùi gần các điểm nóng như Kupyansk và Lozovaya. Ngoài ra, lực lượng Nga còn phá hủy sáu kho đạn, một xe bọc thép M113 do Mỹ sản xuất, và nhiều pháo hạng nặng bao gồm M119 và M198.

Nhóm Tác chiến phía Nam ghi nhận số thương vong cao nhất của phía Ukraine, với 965 lính thiệt mạng trong một ngày. Các cuộc đụng độ diễn ra tại nhiều địa điểm như Seversk, Kurakhovo và Katerinovka. Lực lượng Nga đã phá hủy bốn kho đạn và một trạm tác chiến điện tử Anklav-N.

Nhóm Tác chiến Trung tâm tiếp tục tiến sâu vào phòng tuyến của Ukraine, gây thương vong cho 530 lính Ukraine. Các cuộc giao tranh ác liệt xảy ra quanh Dzerzhinsk, Selidovo và Berestki. 10 đợt phản công của các lữ đoàn cơ giới và lữ đoàn tấn công Ukraine đã thất bại. Bên cạnh thương vong về nhân lực, lực lượng Nga phá hủy bốn lựu pháo và nhiều phương tiện cơ giới.

Nhóm Tác chiến phía Đông ghi nhận 105 binh sĩ Ukraine tử vong. Giao tranh diễn ra gần Storozhevoye và Dobrovolye, nơi lực lượng Nga cải thiện vị trí chiến thuật của mình. Trong số những thiết bị bị phá hủy có một xe bọc thép M113 và một hệ thống pháo tự hành Caesar của Pháp.

Nhóm Tác chiến Dnepr báo cáo đã loại bỏ 55 lính Ukraine và phá hủy ba kho vật liệu quân sự ở các khu vực thuộc vùng Zaporozhye và Kherson. Các cuộc tấn công được thực hiện xung quanh Pavlovka và Kamyshany, gây tổn thất thêm cho quân đội Ukraine.

Triều Tiên nói sẽ biến biên giới với Hàn Quốc thành ‘pháo đài vĩnh cửu’

Theo RT, Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, đầu tuần này, quân đội Bình Nhưỡng đã phá nổ các đoạn đường bộ và đường sắt dài 60m dọc theo các phần phía đông và phía tây của biên giới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Và động thái này là “một phần của quá trình phân tách hoàn toàn theo từng giai đoạn” giữa hai miền Triều Tiên.

Hãng thông tấn trích lời một đại diện của Bộ Quốc phòng Triều Tiên cho biết: “Các biện pháp tiếp theo sẽ được thực hiện để biến biên giới phía nam bị chặn thành một pháo đài vĩnh cửu”.

Trước đó, hôm 15/10, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) báo cáo rằng Triều Tiên đã cho nổ một số đoạn đường Gyeongui và Donghae ở phía bắc đường phân định quân sự giữa hai nước.

KCNA cho biết việc cắt đứt các tuyến đường bộ và đường sắt là “biện pháp tất yếu và hợp pháp được thực hiện theo yêu cầu của Hiến pháp CHDCND Triều Tiên, trong đó nêu rõ Hàn Quốc là quốc gia hoàn toàn thù địch”.

Thông tin trên là sự xác nhận đầu tiên của CHDCND Triều Tiên về việc sửa Hiến pháp theo hướng chính thức định nghĩa Hàn Quốc là “quốc gia thù địch”. Diễn biến này diễn ra sau cuộc họp tuần trước của Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên, được cho là nhằm mục đích sửa đổi văn bản pháp luật cao nhất này.

Nga - Ukraine giao tranh ác liệt ở nhiều khu vực; Triều Tiên tuyên bố 'nóng' về đường biên giới
Khu vực biên giới Triều Tiên – Hàn Quốc

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Triều Tiên vào tháng 1, nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố, Triều Tiên từ bỏ mục tiêu thống nhất với Hàn Quốc; đồng thời kêu gọi sửa đổi Hiến pháp để có thể tuyên bố quốc gia láng giềng là một quốc gia riêng biệt, “thù địch”.

Hãng thông tấn Triều Tiên cũng cho biết thêm rằng đây cũng là phản ứng trước “tình hình an ninh nghiêm trọng, đang bên bờ vực của một cuộc chiến tranh khó lường do những hành động khiêu khích quân sự – chính trị nghiêm trọng”.

Tuần trước, CHDCND Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc đã cho máy bay không người lái thả tờ rơi tuyên truyền chống phá nhằm vào Bình Nhưỡng ba lần chỉ trong tháng này. Mặc dù Seoul không xác nhận cũng không phủ nhận các chuyến bay, nhưng cảnh báo đến CHDCND Triều Tiên nếu họ trả đũa bằng cách nhắm vào Hàn Quốc.

Bình Nhưỡng lần đầu tiên tuyên bố sẽ cắt đứt tuyến đường bộ và đường sắt liên Triều sau cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc cách đây vài tuần, mà nước này mô tả là “cuộc tập trận chiến tranh khiêu khích”. Kể từ đó, quân đội Triều Tiên đã tăng cường củng cố biên giới bằng pháo binh tiền tuyến, các đơn vị quân đội, mìn và rào chắn.

Ukraine triển khai “tối hậu thư” gây sức ép với Nga?

Phát biểu tại Hội đồng châu Âu ngày 17/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Kiev đã khởi xướng một gói biện pháp răn đe phi hạt nhân trên lãnh thổ của mình để gây sức ép buộc Nga phải đàm phán, cũng như để tự vệ trước các hành động xâm lược trong tương lai.

Ông Zelensky đã trình bày kế hoạch chiến thắng của mình trước Hội đồng châu Âu, với điểm chính tập trung vào “răn đe phi hạt nhân” đối với Nga.

Ukraine đề xuất triển khai các hệ thống tên lửa răn đe trên lãnh thổ của mình để buộc Nga phải đàm phán hòa bình hoặc phá hủy các cơ sở quân sự của Nga nếu đàm phán bị khước từ.

Tổng thống Zelensky nhấn mạnh: “Chúng tôi đã chia sẻ mọi thông tin chi tiết với các đối tác như Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italy, chúng tôi mong muốn chia sẻ với bất kỳ nhà lãnh đạo nào sẵn sàng ủng hộ Ukraine”.

Ông cũng khẳng định Ukraine sẽ chỉ áp dụng gói răn đe nếu Nga không chấm dứt chiến tranh.

Trước đó, ngày 16/10, Tổng thống Zelensky đã trình bày chi tiết kế hoạch chiến thắng trước Quốc hội Ukraine.

Kế hoạch này cũng đã được chia sẻ với các đối tác nước ngoài của Kiev, trong đó bao gồm 5 điểm chính là việc mời Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tăng cường phòng thủ, kiềm chế Nga, tăng cường tiềm năng kinh tế chiến lược và thay thế lực lượng quân đội Mỹ ở châu Âu bằng các đơn vị của Ukraine sau khi chiến tranh kết thúc.