Ông Phan Đức Hiếu: Phải tách bạch giá điện giữa các nhóm chính sách

Ông Phan Đức Hiếu: Phải tách bạch giá điện giữa các nhóm chính sách

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng, phải tách bạch giá điện giữa các nhóm chính sách, đảm bảo hài hòa lợi ích cho các bên.

Chia sẻ về thực trạng cách tính giá điện hiện nay tại tọa đàm “Giá thành điện – Thực trạng và giải pháp” diễn ra vào chiều 10/10, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng, cách tính giá bán điện hiện nay không hợp lý. Trong đó, việc dùng giá điện để hài hòa lợi ích tất cả các bên tham gia gồm: Người tiêu dùng, nhà phân phối, nhà sản xuất điện và đặt mục tiêu nhiều hơn cho người tiêu dùng.

Theo ông Phan Đức Hiếu, về lâu dài đối với giá điện, phải tách bạch các nhóm chính sách. Bởi, nếu như giá bán điện thấp hơn giá mua vào và giá thành sản xuất thì với tư cách là cơ quan phân phối điện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bị lỗ là điều nhìn thấy trước. Chênh lệch càng lớn thì lỗ càng lớn và cho dù EVN có tiết giảm chi phí đến mức độ nào đi nữa nhưng vẫn chênh lệch lớn giữa giá mua vào và giá bán ra thì cũng không thể bù lỗ. Chưa kể việc tiết kiệm chi phí có thể ảnh hưởng đến hoạt động vận hành hệ thống điện.

Ông Phan Đức Hiếu: Phải tách bạch giá điện giữa các nhóm chính sách
Ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Mặt khác, nếu vì lỗ mà EVN tìm cách giảm giá mua điện đầu vào sẽ khiến cho các nhà sản xuất điện thiếu đi động lực và sẽ tác động đến đầu tư cho ngành điện, ảnh hưởng đến an ninh cung ứng điện. Thực tiễn thời gian qua, có thời điểm, không ổn định nguồn cung điện thì thiệt hại chung cho nền kinh tế, cho người dân, doanh nghiệp.

“Vô hình chung, đôi khi lợi ích của người khác lại biến thành thiệt hại của người này. Về mặt lâu dài tôi vẫn khẳng định chúng ta không thể duy trì câu chuyện này”, ông Phan Đức Hiếu nói.

Để hài hòa hóa lợi ích giữa ba bên: Nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng thì phải phối hợp các nhóm chính sách chứ không thể thông qua việc xác định giá điện mà hài hòa hóa lợi ích các bên.

Theo ông Phan Đức Hiếu, nên phối hợp chính sách về ưu đãi thúc đẩy cạnh tranh, cắt giảm thủ tục hành chính, thuế… chi phí giảm tối thiểu, như vậy mới có thể giảm giá sản xuất và giá bán.

Tương tự như vậy, với đơn vị phân phối cũng tính đến nhóm chính sách để thúc đẩy cạnh tranh trong phân phối điện như thúc đẩy cắt giảm chi phí ở mức hợp lý, có giá bán điện phù hợp để đảm bảo cho các bên phân phối điện.

Ông Phan Đức Hiếu: Phải tách bạch giá điện giữa các nhóm chính sách
Các nhà quản lý, đại biểu Quốc hội, chuyên gia tham gia tọa đàm “Giá thành điện – Thực trạng và giải pháp”. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Còn nhóm chính sách đối với người tiêu dùng thì theo nguyên tắc đặt bài toán giá bán điện trung bình ít nhất bằng hoặc lớn hơn giá mua vào thông qua người phân phối.

Với lợi ích người tiêu dùng phải phân chia giá điện với những mức khác nhau giữa các nhóm người tiêu dùng khác nhau. Trong trường hợp những người nghèo hoặc người có thu nhập thấp phải phối hợp với chính sách an sinh xã hội và trợ cấp chứ không thể thực hiện cách hiện nay.

Ngoài ra, để thúc đẩy sản xuất điện, tiêu dùng, sản xuất xanh buộc phải có nhóm chính sách thúc đẩy tiêu dùng tiết kiệm điện. Ví dụ thông qua các chính sách về thuế, chính sách về thúc đẩy khoa học công nghệ, kinh tế tuần hoàn… Biểu thang giá điện cũng phải thiết kế hợp lý để thúc đẩy tiêu dùng điện tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả.

Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Nguyễn Thế Hữu cũng cho rằng, bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, người dân, doanh nghiệp và bảo đảm các vấn đề về an sinh xã hội khác, hỗ trợ người nghèo trong tiếp cận và sử dụng điện năng.

Chính sách an sinh trong việc sử dụng điện đối với hộ nghèo và các hộ chính sách xã hội đã được áp dụng nhất quán trong nhiều năm nay chứ không phải vài năm trở lại đây mới nói.

Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tương đương 30KWh điện (gọi là 30 số điện) hàng tháng từ ngân sách nhà nước. Nỗ lực chung của cả ngành điện cũng như các cơ quan có liên quan đảm bảo an ninh nguồn điện cũng chính là giải pháp căn cơ nhất để đảm bảo an sinh xã hội.

Khi xảy ra tình trạng thiếu hụt về điện năng, chính những người nghèo là những người dễ bị tác động nhất, kể cả về khía cạnh đời sống cũng như về khía cạnh công việc. Bởi vì nếu ảnh hưởng đến sản xuất thì những người đó là những người bị ảnh hưởng đầu tiên.