Theo người đứng đầu Lầu Năm Góc Lloyd Austin, động thái trên của NATO là cần thiết để chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
“Các cuộc thảo luận của chúng tôi về Tây Phi và Trung Á sẽ tập trung vào việc mở rộng nỗ lực chống lại các chi nhánh chính của IS”, ông Austin nói với các phóng viên khi đến cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng NATO ở Brussels (Bỉ).
Theo ông, NATO sẽ tiếp tục chiến đấu chống nhóm khủng bố ở Trung Đông. “NATO có khả năng hiện diện ở toàn cầu để chống lại IS ở bất cứ nơi nào chúng xuất hiện”, ông Austin nhấn mạnh.
Vì sao NATO tăng cường hoạt động ở châu Phi và châu Á?. Ảnh: NATO |
Báo cáo được đệ trình lên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc vào đầu năm nay chỉ ra, IS đã đẩy mạnh tuyển dụng trong năm ngoái, nhắm đến công dân Tajikistan và nhiều quốc gia Trung Á khác. IS đặc biệt quan tâm đến thành viên có nhiều kinh nghiệm của các nhóm khủng bố đã hoạt động từ lâu.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, trong 12 tháng qua, nhóm liên kết của IS tại Afghanistan là Nhà nước Hồi giáo-Khorasan (ISIS-K) đã tuyển nhiều tay súng từ Jamaat Ansarullah. Tờ Guardian (Anh) cho biết, Jamaat Ansarullah là nhóm Hồi giáo cực đoan đã hoạt động nhiều năm tại Tajikistan nói riêng và Trung Á nói chung.
ISIS-K còn lập tài khoản Telegram và lợi dụng nhiều mạng xã hội khác để tuyên truyền ở Tajikistan và nhiều nơi khác trong khu vực.
Mặc dù ISIS-K giảm số cuộc tấn công, mất một số vùng đất và các nhân vật chỉ huy cấp cao và tầm trung rời đi, nhưng nhóm khủng bố này vẫn là mối đe dọa lớn nhất ở Afghanistan, thậm chí có khả năng gây nguy hiểm cho khu vực và các nước khác.
ISIS-K đã áp dụng chiến lược tuyển dụng bao quát hơn, bao gồm cả việc tập trung vào thu hút thành viên Taliban và tay súng nước ngoài.
Các cơ quan tình báo của Mỹ và châu Âu từng cảnh báo về xu hướng gia tăng mạnh âm mưu khủng bố quốc tế liên quan đến ISIS-K.
Báo cáo của Liên hợp quốc cũng đề cập: “Vào tháng 7 và tháng 8 năm trước, Đức đã bắt 7 nghi phạm người Tajik, Turkmenistan và Kyrgyzstan vì lên kế hoạch tấn công khủng bố”.