Cùng bị hạn chế sử dụng dần đến năm 2030 là các loại hộp nhựa dùng một lần khác như chai dầu gội mini trong khách sạn, hộp đựng nước sốt nhỏ, màng bọc bảo vệ bao quanh vali ở sân bay, bao bì nhựa đựng trái cây, rau quả chưa qua chế biến, túi nhựa siêu nhẹ…
EU đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ giảm bớt 5% việc sử dụng hộp đóng gói trên toàn châu Âu so với năm 2018, đến năm 2035 sẽ nâng tỷ lệ này lên 10% và sau đó là 15% vào năm 2040.
Song song với việc hạn chế dần sử dụng hộp nhựa, EU cũng đặt ra mức độ ràng buộc về yêu cầu tái sử dụng hoặc tận dụng lại bao bì trong các lĩnh vực khác nhau như thương mại điện tử, đồ gia dụng, đồ uống… từ nay đến năm 2030.
Kể từ năm 2030, hộp đóng gói phải được làm từ chất liệu tái chế và đến năm 2035 sẽ triển khai thực hiện trên quy mô toàn châu Âu nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn.
Cuối cùng, từ năm 2026, EU nghiêm cấm việc cố ý sử dụng polyfluoroalkyl (PFAS) trên bao bì thực phẩm như hộp bánh pizza. Đây là những hóa chất nhân tạo được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp để làm cho mọi thứ không thấm nước, chống dính, là tác nhân có nguy cơ gây bệnh và gây ô nhiễm vĩnh cửu.
Thỏa thuận cấm hộp nhựa sử dụng một lần sẽ cần phải được Quốc hội châu Âu và quốc hội 27 nước thành viên EU thông qua trước khi chính thức có hiệu lực.
Mạnh Hà/VOV-Paris