Theo đại diện Bộ Xây dựng, chất thải là nguồn tài nguyên, cần phương án thu gom, phân loại và tái chế sử dụng. Những loại chất thải rắn không thể sử dụng sẽ đem đi xử lý.
Ngày 20/7, tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế phối hợp cùng Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững cùng Phòng Thương mại và công nghệ Việt nam mở hội thảo “Xác định các bên liên quan và rào cản chính sách trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam”.
Đại diện các đơn vị, doanh nghiệp trình bày về tác hại của rác thải nhựa, chất thải rắn đến môi trường và cuộc sống con người và đưa ra các giải pháp hạn chế việc xả thải rác nhựa cũng như phương án tái chế, sử dụng lại nguồn rác.
Việt Nam top 5 thế giới thải chất thải nhựa
Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế nhấn mạnh rác thải nhựa là một trong những mối đe dọa và thách thức toàn cầu đối với hệ sinh thái và sức chống chịu của vùng ven biển. Mỗi năm, khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương đang gây ra những tác động tiêu cực đến chuỗi thức ăn, sức khỏe hệ sinh thái và sinh kế của cộng đồng ven biển.
Theo đánh giá của Đại học Georgia, Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới có lượng rác thải nhựa ra đại dương nhiều nhất.
“Việt Nam nằm trong nhóm 20 nước thải rác nhiều nhất, bằng với Mỹ hay Malaysia, cao hơn mức trung bình 10% của thế giới. Mỗi năm, trong khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương thì Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn. Trung bình mỗi người thải ra 1,2 kg rác/ngày, 16% là rác thải nhựa – báo cáo này thống kê.
Ông Hoàng Dương Tùng, chuyên gia độc lập, nêu rõ chất thải nhựa là các sản phẩm nhựa đã được sử dụng và thải bỏ. Thành phần rác thải ở nước ta chủ yếu là những rác thải nhựa không có hoặc giá trị thấp. Những rác thải có giá trị cao đã được “thu gom tương đối triệt để”.
“Rác thải nhựa là vấn đề toàn cầu nhưng xử lý phải từ địa phương. Không thể tách rời rác thải nhựa khỏi quản lý chất thải rắn sinh hoạt”, ông Tùng khẳng định.
Theo ông Tùng, Hà Nội và TP.HCM là hai nơi có lượng rác thải xả ra môi trường lớn nhất, mỗi ngày có khoảng 80 tấn rác. Riêng TP.HCM, hàng năm có khoảng 250.000 tấn rác thải nhựa, trong đó 48.000 tấn được chôn lấp, 200.000 tấn nhựa tái chế hoặc thải trực tiếp ra môi trường.
Ông Hoàng Dương Tùng, chuyên gia độc lập về xử lý rác thải nhựa.
Image courtesy of hcdgroup.com.vn
Chia sẻ với Zing.vn, bà Nguyễn Thùy Anh (IUCN) cho rằng mối quan tâm lớn nhất hiện nay là rác thải nhựa. IUCN cùng các đơn vị, doanh nghiệp có nhiều chương trình đến rác thải và môi trường song điều đó chưa đủ để đưa Việt Nam ra khỏi quốc gia xả nhiều rác thải đứng top thế giới hiện nay.
“Tôi mong câu chuyện rác thải nhựa sẽ được nhiều người quan tâm hơn, IUCN cùng các đơn vị, doanh nghiệp sẽ có phương án, định hướng hơn trong vấn đề xử lý rác thải”, bà Thùy Anh nói.
Người đại diện Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế cho rằng ngoài vấn đề rác thải nhựa, chất thải rắn cần quan tâm và đưa ra phương án xử lý hiệu quả với những loại rác thải là túi nylon không có khả năng tái chế, khó phân hủy.
“Những tổ chức, doanh nghiệp trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm nhựa khi sử dụng xong sẽ biến thành rác thải nhựa, túi nylon cần thực hiện nhiệm vụ của mình trong việc hỗ trợ các sáng kiến, xử lý rác thải mà chính họ là người tạo ra”, bà nói.
Chất thải nhựa cũng là nguồn tài nguyên
Tại hội nghị, cán bộ Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, nhấn mạnh rác thải nhựa là vấn đề Việt Nam đang phải đối mặt và chưa có phương án xử lý ổn thỏa.
“Chất thải nhựa là nguồn tài nguyên, nên cần có phương án thu gom, phân loại và tái chế sử dụng. Những loại chất thải không thể sử dụng sẽ đem đi xử lý”, lãnh đạo này trình bày.
Trước vấn đề rác thải nhựa quá nhiều như hiện nay ở Việt Nam, Cục Hạ tầng kỹ thuật cho rằng cần lên kế hoạch hướng dẫn các địa phương tổ chức rà soát, lập và điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn phù hợp. Cụ thể là quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng và mục tiêu của chiến lược và phải hoàn thành giữa năm 2019.
Tính đến năm 2020, theo báo cáo sẽ có khoảng 80% rác thải nhựa được xử lý theo công nghệ phân loại, tái chế. Phần rác thải xử lý chủ yếu ở khu đô thị và một phần rác thải ở nông thôn.
Phía Cục Hạ tầng kỹ thuật cũng cho rằng Bộ Xây dựng chỉ đóng vai trò tham mưu cho Chính phủ để xây dựng chiến lược, phương án xử lý. Còn công nghệ xử lý và xử lý thế nào phải do Bộ Khoa học và Công nghệ đảm nhận.
Để biết thêm thông tin về máy móc, thiết bị, công nghệ và thị trường ngành nhựa hiện nay, hãy đăng ký tham gia ngay PLASTECH VIETNAM EXPO 2019 – cơ hội tuyệt vời cho các nhà sản xuất và chế biến nhựa tiếp thị sản phẩm, giới thiệu chuyên môn, xây dựng hình ảnh thương hiệu và tạo mối quan hệ với đối tác mới cũng như cơ hội kinh doanh tại Việt Nam và khu vực.